Thứ Bảy, 17 tháng 11, 2012

Lặng thinh


                                       
Thế là chia tay. Bình lặng và dửng dưng như hai người lạ bước vội qua nhau trong một chiều tắt nắng. Anh đi về những khoảng trời huyên náo không em, và em - gói ghém tất thảy kỷ niệm để khép lại sau lưng một khoảng nhớ không êm đềm.
Đừng nói với nhau những lời sáo rỗng lưng chừng và hẹn gặp ở một ngày xa xôi nào đó quá mông lung. Bởi cả hai đều biết đây-là-phút-sau-cùng.
Đừng ngoảnh lại phía sau
khi đã bước vừa xa để không còn nghe thấy tiếng nấc khẽ của một người dưng đi ngược hướng mình. Bởi tất cả xung quanh giờ-buộc-phải lặng thinh.
Và cũng đừng vì quá khứ mà thứ tha hay khoan dung những lỗi lầm. Bởi hạnh phúc về sau anh và em đáng có - không còn chỗ cho khoảnh khắc lúc này dùng dằng hai tiếng “ăn năn”.

Thứ Sáu, 16 tháng 11, 2012

Ngày anh bảo em quên










 Thành phố tám triệu dân của xứ sở nhiệt đới này mấy khi có mùa Đông, nhưng với những kẻ yêu nhau thì chỉ một chút giận hờn xa cách đã đủ để thấy gió buốt tràn về và thắt lòng tự hỏi: “Tìm đâu chút ấm bây giờ? Và tìm đâu những cảm giác ngày xưa?”
Biết lòng mình cũng chết khô với những giận hờn vu vơ của tình yêu đã qua mùa yên ổn. Như trò trốn tìm của hai mùa Mưa - Nắng, của tiết trời Hạ - Đông, anh lầm lũi như mưa cứ rơi và giấu tan mình vào đất, em vô tư như nắng cứ dáo dác soi tìm mà chẳng khi nào thấy được anh. Không hiểu nhau nên muôn đời không thể là của nhau...
Ngày anh bảo em quên, Sài Gòn mùa mưa bỗng hanh hao đầy nắng.
Anh thổi nỗi buồn vào gió cuốn đi những yêu thương không tròn vẹn của những ngày-còn-em, và em thả mưa trở ngược về trời để lòng cạn khô đừng thêm nhiều vướng bận. Hai đứa an nhiên với niềm quên, nỗi nhớ do chính mình tự đeo mang, dù đâu đó những yêu thương "ngày cũ-bây giờ" vẫn cứ lập lờ và đan miết vào nhau kể từ “Ngày anh bảo em quên”.
 hay cũng chính là ngày hai đứa không bao giờ thôi nhớ...

Thứ Năm, 23 tháng 8, 2012

Ở LƯNG CHỪNG HẠNH PHÚC






“Sài Gòn giấu anh kỹ quá, để đến khi em tìm ra, anh đã thuộc về người ta mất rồi…”. Em nhoẻn cười và nói bâng quơ, như cách em vẫn thường tỏ vẻ bông đùa để che đi những nỗi buồn vô cớ.

Chúng ta gặp nhau quá muộn trong đời. Thế nên anh chẳng thể trả lời câu hỏi “Em là gì giữa bộn bề đời anh?”, bởi anh đã có một người gắn bó đủ nhiều để đừng yếu lòng trước những ngã rẽ lạc đường của thương yêu. Còn em, cũng chỉ có thể thở dài cho cuộc gặp gỡ mà mình đã chậm chân và khẽ đặt lên môi nụ cười chấp nhận mỗi khi gần anh – như hai người tri kỷ. Trong mối quan hệ không thể gọi tên này, em không cần đến danh phận và anh không cấm cản được hai tấm lòng đồng điệu tìm đến nhau. Tự hai đứa biết đâu là ranh giới của yêu thương trễ nải để biết dừng lại kịp trước lúc tổn thương thêm bất kỳ ai. Khái niệm “đến trước - đến sau” đã phân định rõ ai cần được chở che và đâu là chốn quay về. Hẳn không phải là em.

Yêu anh là chấp nhận mọi thứ ở lưng chừng, kể cả hạnh phúc. Đến vui cũng không quá trớn và buồn cũng phải gói ghém đi, bởi chỉ một chút xao động dù là rất khẽ, hạnh phúc la đà kia sẽ rơi hẫng không phanh. Em vẫn cứ bên cạnh, lắng nghe những buồn vui thường nhật, những giận hờn lẫn ngọt ngào của tình yêu anh đang có. Anh vẫn đi về nơi chốn cũ bình yên của riêng mình bằng hết sự quan tâm và trân trọng, mặc cho khoảng nhớ trong lòng đã xốn xang ít nhiều bởi một hình dung khác. Biết những khoảnh khắc này rồi sẽ nhanh chóng qua, cuối đoạn đường em cũng chỉ là người xa lạ nhìn về hạnh phúc của người ta. Biết là người dưng, vẫn thi thoảng nhủ thầm: “Nếu anh gặp em từ đầu…”.

Thời gian không thích hợp gặp một người thích hợp, kết cục vẫn là viển vông. Chỉ có thể cùng đi qua những con đường thành phố như hai kẻ bộ hành quen mặt nhưng biết trước sẽ phải rẽ về những ngã khác nhau. Sài Gòn những đêm mưa rả rích, em lẳng lặng ngồi sau vai anh, rón rén như một kẻ quá giang trên chuyến xe mà mình đã đến trễ. Tình cảnh trớ trêu là vậy, mà lòng em khấp khởi mừng còn hơn cả tiếng mưa đang rộn rịp rơi xuống mặt đường, bởi người ngồi trước mình điềm đạm bảo: “Nép sát vào anh, coi chừng mưa ướt áo”. Anh lúc nào cũng thế, hiền lành và đầy chu đáo - sự dịu dàng dễ khiến người đối diện ngộ nhận. Bên cạnh nhau, hai đứa hiểu được cái giá phải trả cho hạnh phúc đôi khi không hề dễ chịu – dù chỉ là thứ hạnh phúc tạm bợ và đầy nghi hoặc khi nghĩ đến ngày mai.

Rồi anh cũng về lại với người thương thật sự, còn em một mình tiếp tục trên con đường dài kiếm tìm một người không phải dành tình cảm chia hai. Vậy có lẽ anh nên buông tay để em còn kịp bước, bởi anh không muốn trên hành trình dài rộng kế tiếp của yêu thương, em lại phải một lần nữa đến muộn. Hạnh phúc chưa bao giờ trọn vẹn khi ở giữa lưng chừng. Trong cuộc đời này, đừng để mình trở thành người-dưng-thân-thuộc của thêm một ai đó nữa, được không?

Thứ Năm, 24 tháng 5, 2012

Như chờ tình đến rồi hãy yêu

Sáng nay tôi nhìn thấy em ở ngã tư. Đèn đỏ còn sáng và đồng hồ đang đếm ngược. Ba mươi chín giây. Em đang vội, chiếc xe đạp điện màu đỏ cứ nhích dần lên. Không chỉ mình em, nhiều người khác cũng vội. Những chiếc xe máy cứ nhích dần, nhích dần lên…Sống là không chờ đợi. Dù chỉ mấy mươi giây.
Tôi nhớ có một hôm nào đó, em đã nói với tôi rằng đấy là một triết lý hay, ta phải tranh thủ sống đến từng giây của cuộc đời.
love in the garden Như chờ tình đến rồi hãy yêu   Phạm Lữ Ân
Nhưng em biết không, đừng vì bất cứ một triết lý hay nào mà gạt bỏ đi ý nghĩa của sự chờ đợi. Bởi chờ đợi ở đây không phải là há miệng chờ sung, mà chờ đợi là một phần của bài học cuộc đời. Em sẽ bằng lòng đợi chứ, nếu em đã học biết về điều sẽ xảy ra?
Đợi khi xếp hàng ở siêu thị, vì biết rồi sẽ đến lượt mình và rằng đó là sự công bằng. Đợi tín hiệu đèn xanh trước khi nhấn bàn đạp, vì biết đó là luật pháp và sự an toàn cho chính bản thân. Đợi một người trễ hẹn thêm dăm phút nữa, vì biết có bao nhiêu việc có thể bất ngờ xảy ra trên đường. Đợi một cơn mưa vì biết rằng dù dai dẳng mấy, nó cũng phải tạnh. Đợi một tình yêu đích thực vì biết rằng những thứ tình yêu “theo phong trào” chỉ có thể đem đến những tổn thương cho tâm hồn nhạy cảm của em…
Vì vậy mà hãy cứ bình tâm, em nhé. Cuộc đời ta cũng như rượu vang vậy. Có những loại vài tháng là uống được. Nhưng cũng có loại phải lưu giữ rất nhiều năm để đạt độ chín cần thiết. Điều quan trọng không phải là sớm hay là muộn, mà là đúng lúc. Bởi mọi thứ đều có thời điểm của riêng mình. Vị rượu ngon chính là phần thưởng của tháng năm.
Cũng như câu chuyện về hai chú sâu kia. Sâu anh nằm trong cái kén cảm thấy bực bội vô cùng, nên cố vùng vẫy thật mạnh để mong thoát ra ngoài. Vùng vẫy ngày này qua ngày khác, sâu mọc đôi cánh bé. Nó lại cố ra sức đập cánh, đôi cánh dần lớn ra, cứng cáp. Và cuối cùng, sâu anh hóa bướm, rũ bỏ cái kén chật chội để bay lên cao. Khi đã thoát ra rồi, nó mới thấy sâu em vẫn còn mắc kẹt trong kén. Nó hăm hở lao đến giúp em phá vỡ cái kén và đưa sâu em ra ngoài.
Thế nhưng, em biết không, sâu em mới chỉ có một đôi cánh mỏng manh bé xíu. Nó không thể bay lên như anh và cũng không còn chiếc kén để bảo vệ thân mình. Bướm anh khóc ròng nhìn em bị đàn kiến tha đi.
Tôi nhớ có một câu danh ngôn, đại ý rằng “Bạn sẽ có được con gà con lông vàng mũm mĩm bằng cách ấp trứng, chứ không phải bằng cách đập vỡ cái trứng ra”. Vậy thì đó là lý do tại sao con sâu phải nằm trong kén đủ ngày rồi mới được hoá thân. Cũng như con người phải chín tháng mười ngày mới nên rời lòng mẹ. Đó cũng là lý do của ba mươi chín giây đèn đỏ, của mười hai năm miệt mài trên ghế nhà trường, của một mối tình thiết tha còn chưa chịu hé lộ. Và của rất nhiều khoảnh khắc chờ đợi trong cuộc đời.
Mọi vật đều có thời điểm của mình. Em đừng cố rút ngắn thời gian. Nếu trái chưa chín thì đừng nên hái. Nếu nhộng chưa chín thì đừng phá vỡ kén tằm. Nếu chưa gặp được một tâm hồn đồng điệu thì đừng trao gửi trái tim. Đừng để thế giới này tác động.
Xuân qua hè tới. Đông sang thu về.
Đừng nôn nóng khi nhìn thấy những loài cây khác đã khoe lá khoe hoa. Hãy cứ bình tâm. Hãy đợi thời điểm của mình, em nhé. Hãy tận dụng khoảng ngừng lặng này để bồi đắp cho chính mình và học cách khám phá điều sẽ xảy ra. Nếu em biết suy tư, khoảng thời gian chờ đợi không bao giờ là vô nghĩa.
Vì thế, dù cuộc sống có trôi nhanh biết mấy, em nhớ để dành trong đời mình những khoảng lặng thời gian cho sự đợi chờ. Không chỉ như chờ đèn xanh bật sáng ở ngã tư, mà như chờ rượu chín rồi hãy uống.
Như chờ tình đến rồi hãy yêu!

Thứ Hai, 13 tháng 2, 2012

Hãy kiêu hãnh và tự do, như những chú gà rừng

    Tôi là chúa tể của chính tôi…
    (Benjamin Franklin)
     
Anh bạn 18 tuổi mấy hôm nay đang lên tiếng đòi tự do: được mua xe mới để tự lái đi học thay vì để ba đưa đón hoặc đón xe bus, được đóng cửa phòng khi tiếp bạn thay vì mở cửa như mẹ quy định, được thỉnh thoảng ngủ đêm lại nhà trọ của bạn cùng lớp khi có liên hoan thay vì phải về nhà trước mười rưỡi tối…
Bạn nói với tôi rằng thật quá “oải” với sự bảo bọc của cha mẹ. Thậm chí, mỗi lần cắt tóc bạn đều phải theo ba đến tiệm quen. Trong câu chuyện, bạn thú nhận rằng, cho đến tận hôm nay, bạn chưa bao giờ tự xúc cơm vào chén của mình. Đó là việc của mẹ, bà, hoặc cô giúp việc. Bạn chỉ việc bưng tô cơm đã xúc sẵn lên ngồi trước ti vi và ăn.

Đến năm mười bốn tuổi tôi vẫn chưa tự xếp quần áo cho mình. Tất cả đều là việc của mẹ. Giặt, phơi, xếp, ủi, treo lên móc. Mỗi sáng, tôi chỉ việc mặc những chiếc áo rất thẳng thớm tinh tươm để đến trường. Cho đến một ngày nọ mẹ đi vắng, và trời trưa đang nắng bỗng lắc rắc vài hạt mưa. Không cách nào khác, tôi phải làm. Lấy quần áo từ sào phơi, ôm vào phòng. Tôi chợt nhận ra quần áo vừa lấy từ sào xuống thật là thơm, một mùi hương mới mẻ, lạ lẫm, thanh sạch, “nóng giòn”. Mùi của nắng. Và lần đầu tiên trong đời, tôi ngồi xuống bên đống quần áo, lóng ngóng, bắt đầu xếp từng cái một.
Tôi chỉ muốn nói rằng …những ví dụ đó không hoàn toàn là những việc nhỏ nhặt.
Khi không tự làm điều gì đó cho bản thân – chẳng hạn như việc xúc cơm, với bạn, hay việc xếp quần áo, với tôi – ta có thể tận hưởng cảm giác thoải mái của sự bảo bọc (hay lười biếng), nhưng đồng thời, chúng ta cũng đang đánh mất dần – từng chút – một điều rất có ý nghĩa với đời mình: bản năng độc lập.
Bản năng mạnh mẽ nhất của con người là học lấy những kỹ năng sống nhằm tự tồn tại. Vừa lọt lòng mẹ, chúng ta khóc oe oe đòi sữa, vì “con khóc mẹ mới cho bú”. Không có ai dạy cả, Rồi ba tháng biết lẫy, bảy tháng biết bò, chín tháng lò dò biết đi…Rồi nhảy cú nhảy đầu tiên. Ngã cú ngã đầu tiên…Cha mẹ đứng quanh vỗ tay cổ vũ, khen ngợi. Nhưng chính chúng ta, dù bé nhỏ, mong manh như vậy, khi mới vài tháng tuổi đã tự mình làm nên những kỳ tích.

Hãy nhớ lại lúc bé thơ. Khi nào mẹ cho bạn cầm kéo cắt hình chiếc lá: đó là khi mẹ tin rằng bạn có thể cầm kéo mà không tự cắt vào tay mình. Ba mẹ không bế ẵm ta nữa, nếu ta đã biết đi, muốn tự đi một mình và quan trọng nhất là khiến ba mẹ tin rằng ta có thể tự đi một mình, biết vịn vào ghế, biết tự đứng dậy được khi vấp ngã. Có bao giờ bạn tự hỏi: tại sao cha mẹ có thể thả tay ra cho bạn đứng chựng khi bạn mới mười tháng tuổi, mà vẫn xúc cơm cho bạn khi đã mười tám tuổi. Nếu mẹ có thể xúc cơm cho bạn thì có gì lạ đâu nếu ba không yên tâm để bạn lái xe một mình…
Nếu chúng ta không chứng tỏ được rằng mình có thể tự làm, người khác sẽ tin rằng chúng ta không thể tự làm. Nếu bạn không tự làm được điều dễ dàng, cớ sao tôi phải tin rằng bạn có đủ trách nhiệm và nhận thức để làm điều khó hơn?
Trang Tử nói: “Gà rừng trong đầm cỏ đi mười bước mới nhặt được một hạt thức ăn, đi trăm bước mới uống được một ngụm nước. Nhưng chúng không mong cầu được sống trong lồng” Chúng ta có giống được những con gà rừng không? Nếu chúng ta vì ưa thích thóc gạo bày sẵn mà chịu chui vào chiếc lồng. Rồi từ sau những song tre đó, chúng ta đòi trả tự do?
Từ xúc cơm, xếp quần áo, sách vở, đến chọn trường, chọn nghề, tìm việc, kiếm sống, chọn chồng chọn vợ, chọn tương lai… Chúng ta sẽ quá quen với việc được sắp sẵn. Chúng ta ưa làm việc đã được người khác lên kế hoạch hơn là tự mình vạch ra kế hoạch. Chúng ta chuộng thói quen hơn sáng tạo. Chúng ta chỉ vui khi có người tâng bốc, chỉ hết buồn nếu có người an ủi vuốt ve. Chúng ta thậm chí không muốn tự phân biệt sai đúng trừ khi có người làm thay. Chúng ta không thể làm chủ đời mình. Cứ như vậy, chúng ta đánh mất bản năng của gà rừng và biến thành con chim trong lồng lúc nào không biết nữa. Thậm chí, một con chim trong rất nhiều lớp lồng.

Như vậy đó, anh bạn! Không ai lấy mất tự do của chúng ta, chỉ có chúng ta tự nguyện đánh mất nó, thay vì cố gắng giữ lấy nó. Chúng ta, ở tuổi mười tám, thỉnh thoảng kêu gào rằng tại sao cha mẹ lấy hết tự do của con, mà quên rằng chính mình đã đánh mất tự do – từng chút một – từ lâu lắm. Khi được ai đó làm thay một việc nhỏ, và chúng ta chấp nhận việc ấy như điều hiển nhiên, nghĩa là chúng ta đã tự đan thêm một song tre cho chiếc lồng đời mình.
Tác giả Robert Fulghum từng trở thành best seller với một cuốn sách có tựa đề thú vị “Tất cả những gì tôi cần phải biết tôi đều được học ở nhà trẻ”. Đó là những nguyên tắc sống: chia sẻ, chơi công bằng, không đánh bạn, để đồ đạc vào chỗ cũ, không lấy những gì không phải của mình, dọn dẹp những gì bạn bày ra, nói xin lỗi khi làm tổn thương ai đó, rửa tay trước khi ăn, học một ít, suy nghĩ một ít, vẽ và hát và nhảy múa và chơi và làm việc một ít mỗi ngày, ngủ trưa, có ý thức về những điều kỳ diệu, cây cối và các con vật đều chết – và chúng ta cũng vậy, từ đầu tiên và quan trọng nhất cần phải học: quan sát.
Hãy đếm xem: 100 chữ. Những gì cần phải học chỉ như vậy. Chúng ta được học ở nhà trẻ nhưng đã đánh rơi dần trong quá trình lớn lên. Cũng như khi sinh ra, ta đã có sẵn bản năng độc lập nhưng lại đánh mất nó trong quá trình sống. Không có bản năng độc lập, chúng ta không thể nắm giữ được tự do. Nghĩa là trước khi đòi tự do, bạn phải tìm lại bản năng độc lập của mình.
Mọi thứ đơn giản hơn chúng ta tưởng. Thậm chí có thể nói rằng cuộc đời này rất giống một nụ hôn, nó có thể tệ hơn, hay tuyệt hơn nụ hôn trước đó, nó có thể khiến bạn hạnh phúc, cũng có thể làm bạn vỡ mộng, nó có thể khiến bạn nhận ra mình yêu, hay nhận ra mình hoàn toàn không yêu. Nó chứa đựng những bí mật mà bạn chỉ khám phá được sau khi đã hoàn thành.
Hãy tự mình hoàn thành, và bạn có thể nói bạn là chúa tể của chính mình. Như những chú gà rừng.
Hãy luôn luôn kiêu hãnh và tự do như những chú gà rừng.